Sau khi sinh, các mẹ nên ăn gì?

Ngày nay, các bà mẹ trẻ sau khi sinh con vừa mong nhanh chóng khôi phục tuổi xuân đã qua, giữ được cơ thể khoẻ mạnh, lại sợ ăn nhiều quá sẽ bị béo. Vậy ăn thế nào? Và ăn cái gì mới được coi là khoa học và đầy đủ dinh dưỡng?

Thực đơn của sản phụ cần chú ý những gì?

Sau khi sinh con phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong ăn uống, đây là điều mà ai cũng biết. Nhưng trong 1 - 2 ngày đầu sau khi sinh, tốt nhất nên ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo, mì, trứng gà là chính. Không nên ăn thức ăn có nhiều mỡ như: chân giò, thịt gà mái. Cùng với sự hồi phục của khả năng tiêu hoá có thể ăn những thức ăn giàu năng lượng và dinh dưỡng: canh gà, canh xương....

Để đảm bảo người mẹ nạp đủ dinh dưỡng gồm protein, chất béo, đường, chất khoáng, vitamin, nước, trong ăn uống cần chú ý là thức ăn phải đa dạng, phối hợp thức ăn tinh và thô một cách hợp lý. Mỗi ngày có thể ăn 5 - 6 bữa, người mẹ không nên kiêng cữ quá nhưng tránh đồ ăn sống, nhiều mỡ, cay, có tính kích thích. Trong thời gian cho con bú, rượu, hút thuốc phải kiêng tuyệt đối. Một số bà mẹ có di chứng cao huyết áp trong thời kỳ mang thai cần phải ăn hạn chế muối.

Những bà mẹ bị rách tầng sinh môn và phải khâu, nên ăn thức ăn ít chất bã, chia nhỏ bữa ăn, 5 - 6 lần/ngày, ăn trong 3 ngày. Những bà mẹ phải mổ đẻ, sau khi mổ, công năng đường ruột đã hồi phục (khoảng 24 tiếng sau mổ) có thể áp dụng chế độ ăn từng lỏng đến đặc dần. Sau khi người mẹ có thể tự đi đại tiện được, có thể ăn chế độ bình thường.

Một số thức ăn có lợi cho sản phụ

Đường là một trong những chất dinh dưỡng mà cơ thể người cần, sau khi ăn, qua quá trình tiêu hóa, đường sẽ biến đổi, được cơ thể người hấp thu, giải phóng ra nhiệt lượng. Đường đỏ có tính ôn, ích khí, kiện tì ôn vị, tản hàn, hoạt huyết, dễ tiêu hóa, giảm đau, sinh sữa. Dân gian thường dùng đường đỏ để điều trị các chứng đa, băng huyết, huyết áp cao sau đẻ và bị lạnh. Do có nhiều tác dụng dinh dưỡng như vậy nên các sản phụ ăn nhiều đường đỏ là rất có ích.

Thịt cá chép giúp nâng cao sức co bóp của cơ tử cung

Người già thường hay khuyên sản phụ nên ăn nhiều cá chép trong thời gian “nằm chỗ”. Vậy ăn các chép có lợi gì? Thịt cá chép có thể trục máu dư, máu dư ở đây chủ yếu là máu đẻ. Do thịt cá chứa nhiều protid, có thể thúc đẩy tử cung co bóp, nâng cao sức co bóp của cơ tử cung. Khi tử cung co bóp, các sợi cơ sẽ co ngắn lại, ép lên mạch máu giúp cho máu đẻ và dịch dính trong âm đạo ra ngoài cơ thể.

Theo Đông y, cá chép tính bình vị ngọt, có lợi cho tiểu tiện, có tác dụng giải độc, có thể điều trị các bệnh xơ gan, bụng trướng, phụ nữ băng huyết, sau khi sinh không có sữa. Dùng một con cá chép tươi khoảng 500g, nấu chín với rượu vang, hoặc mổ cá bỏ nội tạng, sấy khô và ngiền thành bột, dùng hàng ngày với rượu vang để điều trị chứng ứ máu tử cung. Cá chép còn có tác dụng thúc đẩy sự tiết sữa, do vậy sau khi sinh con, người mẹ ăn cá chép là rất hợp lý.

Tại sao các sản phụ hay được khuyên ăn trứng gà?

Thành phần dinh dưỡng trong trứng gà rất phong phú, cách nấu đơn giản, vừa kinh tế lại vừa thực tế, đồng thời trứng gà chứa nhiều protein được cơ thể người hấp thu, là loại thực phẩm tốt cho người mẹ bồi dưỡng. Trong trứng gà chứa chất thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức não, có thể nhanh làm lành vết thương ở các cơ quan. Người mẹ ăn nhiều trứng gà sẽ có lợi cho việc nuôi con bằng sữa và sự phục hồi công năng của các tổ chức, bé bú sữa mẹ giúp các tế bào não của bé tăng trưởng, giúp bé càng thông minh, khoẻ mạnh. Sau khi ăn trứng gà có thể thúc đẩy lượng sữa tiết ra. Người mẹ mỗi ngày ăn 4 quả trứng là thích hợp, không nên ăn nhiều quá ảnh hưởng đến việc tiêu hóa.

Trứng gà sẽ có lợi cho việc nuôi con bằng sữa và sự phục hồi công năng của các tổ chức

Trứng gà sẽ có lợi cho việc nuôi con bằng sữa và sự phục hồi công năng của các tổ chức

Ăn hoa quả như thế nào sau đẻ cho có lợi?

Sau khi sinh con, hàng ngày người mẹ đều có thể ăn hoa quả. Nếu người mẹ bị táo bón, thì mỗi ngày ăn một quả chuối tiêu cũng có tác dụng tốt, theo một số tài liệu, ăn chuối tiêu còn có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh. Có những sản phụ sau sinh không muốn ăn, thì việc ăn hoa quả cũng giúp ích cho tiêu hoá. Quả sơn tra vừa chua vừa ngọt sau khi ăn sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn, có lợi cho tiêu hóa, thúc đẩy tử cung co bóp tống máu đẻ ra ngoài. Đồng thời hoa quả bổ sung sự thiếu hụt vitamin trong cơ thể mẹ. Nhưng người mẹ không nên ăn quá nhiều loại hoa quả chua, lạnh, đề phòng chất toan làm hại răng và dạ dày bị kích thích bởi thức ăn lạnh.

Dựa vào thể chất để lựa chọn thức ăn thế nào?

Với người tinh huyết hư tổn: sau khi sinh con, nếu người mẹ thấy có các triệu chứng như hoa mắt chóng mặt, tim đập loạn nhịp, mất ngủ, tê chân tay, sắc mặt vàng hoặc trắng nhợt, da sạm và thô ráp, môi và móng chân móng tay đều trắng nhợt, hoặc lúc bình thường cơ thể hư nhược, nên lựa chọn ăn loại thức ăn sau:

- Thịt: thịt lợn, chân giò, tim gan lợn, con hàu, thịt ba ba, thịt rùa, lươn, các chép, hải sâm.

- Đường: đường trắng, đường phèn, các loại đường hoa quả.

- Rau: đậu côve, đậu đũa, đậu tằm, đậu phụ, giá đỗ, mọc nhĩ, ngó sen, mướp, rau chân vịt, mộc nhĩ trắng, củ cải, cà rốt, nấm hương, khoai tây, khoai sọ, khoai lang, đậu xanh, đậu đen.

- Hoa quả: nho, táo, cam, đào, dứa, chuối tiêu, hồng.

Với người âm hư hỏa vượng: nếu trong quá trình sinh con, người mẹ ra quá nhiều máu, tinh huyết hao tổn dẫn đến âm hư hỏa vượng, thấy có các triệu chứng chóng mặt ù tai, mặt đỏ, ruột gan nóng, ra mồ hôi trộm, mất ngủ, tiểu rắt, táo bón, hoặc được các thầy thuốc chẩn đoán là âm hư hỏa vượng, ngoài các thức ăn bổ máu như đã nêu ở trên còn có thể lựa chọn các loại thức ăn thanh nhiệt dưới đây:

- Thịt: thịt thỏ, gan thỏ, bồ câu, thịt lợn, thịt vịt.

- Rau: rau dền, rau cần, rau kim châm, bí đao, mướp, dưa chuột, cà chua, mướp đắng, tâm sen, lá sen.

- Hoa quả: lê, dưa hấu, chà là, hồng.

Với người dương khí hư nhược: nếu người mẹ sau khi sinh thấy có các triệu chứng nhức mỏi eo lưng, lạnh bụng và chân tay, lạnh và đau bụng dưới, chóng mặt ù tai, tiểu nhiều trong đêm, hoặc được bác sĩ chẩn đoán là dương khí hư nhược thì nên chọn các loại thức ăn có tính ôn bổ ích khí cường dương dưới đây:

- Thịt: thịt dê, móng dê, sữa dê, thịt hươu, thịt chó, ba ba, rùa, tôm tươi, gan lợn, lươn.

- Đường: đường mía, mật ong, đường cát.

- Rau: hành, hẹ, tỏi, hành tây, đậu vàng, mộc nhĩ, đậu đen, vừng, củ cải, bí đỏ, hồi hương.

Hoa quả: hạch đào, long nhãn, táo ta, vải, mía, quýt, anh đào.


BS. Lê Thu Hương

Những lợi ích của ăn chay đối với sức khoẻ

Hỏi:Xin cho biết tại sao ăn chay lại chọn ngày đầu tháng hoặc giữa tháng? Về khoa học thì ăn chay có lợi cho sức khỏe như thế nào?

(Trần Vĩnh Hùng - TP.HCM)

Trả lời:

Ngày nay, việc ăn chay trở nên phổ biến không chỉ dành cho phật tử mà còn lan ra những người ăn kiêng khắp nơi trên thế giới, mục đích là giữ gìn sức khỏe. Ngày được chọn ăn chay phổ biến nhất là ngày đầu tháng (mùng một) và ngày trăng tròn (rằm) hàng tháng của cả phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền, tuy nhiên chư Tăng Đại thừa còn chọn ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 để ăn chay tùy theo sự phát tâm của mỗi người, khuyến khích càng nhiều ngày càng tốt. Tại sao lại chọn hai ngày phổ biến là mùng một và rằm thì Phật giáo cho rằng vì đây là ngày dễ ghi nhớ để tụ họp chư tăng nghe thuyết giảng. Ngoài ra còn giải thích do quy luật của vũ trụ. Mục đích của ăn chay trong phật giáo nhằm khuyến khích con người không sát sinh, sống thiện, tinh thần được giải phóng.

Về mặt y học, nhiều chuyên gia cho rằng không phải vô tình mà ngày mùng một và rằm được chọn làm ngày ăn chay. Người xưa cũng rất tinh tế, ăn chay truyền thống là dùng rau quả, không dùng thịt động vật. Ai cũng biết chế độ ăn chay giúp cho cơ thể cân bằng được axít/base, cơ thể hoạt động luôn có xu hướng tạo ra axít, khi cơ thể bị nhiễm axít (toan) nặng thì các cơ quan hoạt động trì trệ. Ăn nhiều thịt sẽ chuyển hóa ra nhiều axít, cơ thể sẽ bị toan hóa. Ngược lại ăn chay sẽ tạo ra sự kiềm hóa nội mô. Các nhà khoa học cũng xác định nhiều hệ thống bị trục trặc khi toan hóa, trong đó có hệ thần kinh, con người trở nên nóng tính, bốc đồng, không kiềm chế dẫn đến hành vi hung bạo.

Theo vật lý học thì ngày mùng một và rằm là lúc mặt trời, mặt trăng, trái đất thẳng hàng. Thời điểm này lực hút của mặt trăng với trái đất mạnh nhất, biểu hiện qua thủy triều cao nhất. Cấu tạo cơ thể con người với hơn 70% là nước, nên các tế bào cũng chịu một lực hút của mặt trăng trong những ngày này nhiều hơn, thậm chí nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động của hệ thống tuần hoàn bị thay đổi. Lực hút này làm cho hoạt động của cơ thể bị rối loạn, nhất là hoạt động của hệ thần kinh.

Bs.CkII. Đặng Minh Trí

Muốn thi tốt, nên ăn gì?

Chỉ còn ít ngày nữa là các sĩ tử bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Cùng với nắng nóng gay gắt, áp lực học tập thi cử cũng khiến các sĩ tử của chúng ta phải đối diện với không ít căng thẳng, mệt mỏi và dễ mất cân bằng dinh dưỡng. Thực tế qua đã cho thấy một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý có thể có tác dụng tích cực rõ ràng trong việc giúp các sĩ tử có một thể chất tráng kiện cũng như một tinh thần minh mẫn. Vậy ăn uống như thế nào để nâng cao hiệu suất cho các sĩ tử trong mùa thi?

Ăn sáng đủ chất, không để bụng đói trong những ngày thi

Để có bữa ăn sáng tốt nhất, hãy chọn ăn loại cacbonhydrat tiêu hóa chậm, chẳng hạn như bánh mì nguyên hạt hoặc bánh mì có lượng đường thấp, cơm, xôi, phở bún vì chúng cung cấp năng lượng bằng cách giải phóng từ từ vào máu, đảm bảo cho cơ thể luôn có một mức đường máu cần thiết nhất định. Bổ sung thêm loại thực phẩm có chứa chất đạm, chẳng hạn như sữa, sữa chua hoặc trứng, để giữ cảm thấy no lâu hơn.

Uống đủ nước

Một trong những cách tốt nhất để tối đa hóa sự tập trung là giữ cơ thể luôn đủ nước. Ngay cả mất nước nhẹ của cơ thể cũng có thể dẫn đến mệt mỏi, nhức đầu, giảm tỉnh táo và sự tập trung giảm bớt.

Một nghiên cứu trên đối tượng sinh viên đại học cho thấy, những người mang đồ uống, đặc biệt là nước lọc vào phòng thi và sử dụng đã thực hiện bài thi trung bình 5% tốt hơn so với những người không mang theo nước. Hãy bắt đầu ngày mới bằng một ly nước lọc lớn hoặc trà hoặc trái cây. Tốt nhất là tránh thức uống có ga và đồ uống có lượng đường cao, vì chúng không tốt cho việc duy trì năng lượng ổn định.

Muốn thi tốt, nên ăn gì?Một bát ngũ cốc kèm trái cây khô trộn sữa là bữa ăn phụ đủ chất và hiệu quả cho các sĩ tử những lúc ôn thi căng thẳng.

Đa dạng hóa các thực phẩm trong các bữa chính trong ngày

Không một thực phẩm nào có được các nguồn dinh dưỡng hoàn chỉnh, vì vậy, cần phải ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Cố gắng không bỏ bữa ăn hoặc không để lượng đường trong máu giảm nhiều. Tốt nhất nên sử dụng nhiều loại thực phẩm bao gồm rau, quả, protein, chất béo tốt và ngũ cốc nguyên hạt cho một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng.

Cá và hải sản nhiều chất béo rất quan trọng đối với sức khỏe và sự tập trung của não, nhờ vào chuỗi omega-3 dài. Khoảng 8% não chứa chất béo omega-3 và chúng ta nên ăn một phần thức ăn giàu omega-3 ít nhất 2 ngày một tuần. Chất béo omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá mòi, cá ngừ tươi (không đóng hộp) và cá thu; Bổ sung thêm viên omega-3 có thể cần thiết, đặc biệt là trong kỳ thi. Omega-3 chuỗi ngắn, tìm thấy trong các loại hạt cũng đem lại lợi ích tốt.

Vitamin C là cần thiết cho hệ miễn dịch của bạn và được tìm thấy trong trái cây và rau quả. Các loại quả như chuối, táo, lê, cam, nho... là nguồn thực phẩm tốt, giàu vitamin C.

Một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ

Không đủ giấc ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ và làm chậm phản ứng của bạn. Các tế bào thần kinh của bộ nhớ có trách nhiệm chuyển những ký ức ngắn hạn thành những hoạt động lâu dài sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi chúng ta ngủ đủ giấc. Có bằng chứng cho thấy, học sinh ngủ 7 giờ một đêm thường có trung bình 10% tốt hơn của trí nhớ so với những người ngủ ít hơn. Một bữa ăn quá nhiều gần giờ đi ngủ gây trở ngại cho giấc ngủ, vì vậy hãy cố gắng ăn bữa ăn cuối cùng ít nhất cách 3 giờ trước khi đi ngủ. Sau đó, có một bữa ăn nhẹ nhỏ như một bát ngũ cốc kèm sữa và trái cây khô trước khi đi ngủ; hoặc một bát cháo thịt. Hoặc làm một ly sữa ấm trước ngủ là hợp lý và giúp chúng ta ngủ ngon hơn.

Chọn đồ ăn nhẹ nào trong những ngày thi?

Dùng đồ ăn vặt trong những ngày ôn thi và ngày thi là một thói quen thường gặp ở các sĩ tử, nhất là khi học nhóm cùng bạn bè. Nên chọn các thức ăn vặt sau: các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, quả óc chó, hạt dẻ; các loại trái cây như chuối, táo, lê, bơ. Nên hạn chế các loại bánh quy giòn do chứa nhiều chất béo chuyển hóa không tốt cho cơ thể, tránh các loại thức ăn nhanh, tránh thức uống nhiều đường do kém chất dinh dưỡng làm dễ thiếu chất cho cơ thể.

BS. Thanh Hoài

6 lợi ích tuyệt vời của nước ép gừng

Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

Gừng có thuộc tính chống tiểu đường và có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó giúp làm giảm hàm lượng đường huyết ở người bệnh tiểu đường và ngay cả ở những người không bị tiểu đường. Một cốc nước ép gừng có thể giúp kiểm soát cả hàm lượng đường khi đói.

Làm chậm lão hóa tâm thần

Vì các hợp chất phenol và flavonoid có trong gừng nên nước ép gừng cũng có thuộc tính bảo vệ dây thần kinh. Nước gừng đặc biệt giúp tăng hàm lượng protein trong não cùng với nhiều thành phần khác giúp não khỏe mạnh. Cần nhớ là việc giảm hàm lượng protein, đặc biệt khi về già, dẫn tới những bệnh như Alzheimer và các rối loạn tâm thần khác.

Chống ung thư

Gừng có chứa một số thành phần phenolic và không bay hơi có hoạt tính sinh học như gingerol, paradol, shogaol và gingerone. Theo một nghiên cứu, các chiết xuất gừng cũng có thuộc tính chống ung thư giúp kiểm soát ung thư tuyến tiền liệt.

Gừng cũng có tác dụng trị buồn nôn, kiết lỵ, ợ nóng, đầy hơi, tiêu chảy, chán ăn, nhiễm trùng, ho, viêm phế quản. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, gừng và các thành phần hoạt chất của nó bao gồm gingerol 6 và shogaol 6 có hoạt tính chống ung thư giúp chống lại ung thư dạ dày-ruột.

Giảm cholesterol

Ngoài kiểm soát hàm lượng đường huyết, nước ép gừng cũng được cho là có tác dụng hạ cholesterol.

Giảm đau do viêm khớp

Chiết xuất gừng có thuộc tính giảm đau và nó rất tốt cho những người bị đau đầu gối mạn tính.

Cách sử dụng

Rửa sạch củ gừng, cắt thành những miếng nhỏ, cho một chút nước và bỏ vào máy xay nghiền nát. Sau đó gạn nước ra 1 cái cốc. Vắt 1/2 quả chanh hoặc thêm mật ong nếu muốn tăng thêm hương vị.

BS Tuyết Mai/univadis

(Theo THS)

Những lưu ý về chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư vú

Việc xây dựng một kế hoạch ăn uống phải phụ thuộc vào từng cá nhân, chẩn đoán ung thư và tác dụng phụ khi điều trị.

Dưới đây là một số lưu ý khi lên kế hoạch ăn uống cho bệnh nhân ung thư vú để đạt lợi ích tốt nhất:

Cung cấp đủ lượng protein

Mục tiêu chung khi xây dựng kế hoạch ăn uống là nhằm duy trì và cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng. Morrison cho biết các thực phẩm chứa protein chất lượng tốt như cá, gia cầm, các loại đậu, bơ lạc và các loại hạt đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể phục hồi hệ miễn dịch và củng cố các cơ.

Những lưu ý về chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư vú

Uống đủ nước

Một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị như buồn nôn, nôn, đau miệng và họng, thay đổi vị giác, giảm cảm giác ngon miệng, giảm cân, táo bón, tiêu chảy có thể ảnh hưởng tới việc ăn uống. Nếu bạn bị buồn nôn và nôn trong quá trình điều trị, Morrison khuyên nên cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể để phòng ngừa nguy cơ mất nước. Ngoài nước lọc, nước ép hoa quả nguyên chất hoặc súp cũng là những lựa chọn tốt.

Ăn uống hợp lý

Ăn thành các bữa nhỏ đủ dưỡng chất, tránh đồ ăn cay, nhiều dầu mỡ, không nên uống nhiều nước trước khi ăn. Bạn cũng tuyệt đối không được bỏ bữa vì nó có thể khiến tình trạng buồn nôn thêm trầm trọng. Bạn có thể thử một số đồ ăn mát vì chúng không có mùi vị mạnh để giảm hiện tượng buồn nôn. Morrison gợi ý: “Nếu bạn thích món trứng tráng, thay vì làm theo cách thông thường, hãy thêm một chút phô-mai và quả bơ. Hoặc nếu bạn làm món salad rau hoặc khoai nghiền, hãy cho thêm một chút dầu ôliu khi chế biến”.

BS P.Liên

(Theo BHM)

Cua biển bổ khí huyết, ích xương tủy

Cua biển là thực phẩm được nhiều người ưa thích, nhất là các tín đồ mê hải sản. Cua biển ngon, giàu dinh dưỡng: protein, lipid, Ca, P, Fe, vitamin B, B, PP, Mg và axit béo omega 3. Nó có giá trị cao cả trong thực phẩm và y học.

Theo Đông y, thịt cua biển có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, tác dụng bổ khí dưỡng huyết, ích xương tủy, thông kinh lạc… dùng rất tốt với người hư nhược, trẻ em còi, người lớn gầy khó lên cân, gân xương yếu, sinh lý yếu, các chứng đau tê liên quan khí huyết, huyết ứ. Sau đây là một số món ăn bài thuốc từ cua biển:

Cháo cua biển: thịt cua biển, gạo ngon, đậu xanh, hành ngò, gia vị vừa đủ. Cua hấp chín lấy thịt và gạch chao hành mỡ cho thơm để riêng. Gạo và đậu xanh vo sạch nấu cháo, khi cháo chín cho thịt cua và gạch cua đun nhỏ lửa, sôi lại nêm gia vị ăn. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết, ích tỳ vị… Rất tốt với trẻ em còi, người lớn gân xương yếu, khí huyết đều hư, suy nhược cơ thể.

Lẩu cua biển: cua biển, xương lợn, tôm sú, rau muống, giá đậu, hoa lý, rau đắng, nấm hương, nấm rơm, cà chua, hành ngò gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Công dụng bổ tỳ, ích thận, sinh tinh huyết… Chữa đau lưng mỏi gối, ù tai, chữa nhược dương do thận khí hư.

Cua biển hấp bia: cua biển, bia, gừng tươi, hành tây, ớt, tiêu, muối, gia vị vừa đủ hấp ăn. Công dụng ích thận dưỡng can, thông huyết, ích xương khớp… Chữa đau lưng, mỏi gối, xương gãy lâu lành, đêm ngủ chuột rút, loãng xương ở người già.

Cua biển rang me: cua biển, me chín, tỏi, hành tây đã thái mỏng, bột năng, gia vị vừa đủ rang ăn kèm rau, tía tô, kinh giới, rau thơm. Công năng: bổ huyết, dưỡng tỳ thận, thông kinh lạc, chắc gân xương. Rất tốt cho người lớn gân xương yếu, loãng xương, trẻ em còi chậm lớn, người bị chuột rút về đêm.

Súp cua biển: thịt cua biển, thịt gà xé nhỏ, ngô non bào, trứng gà, bột năng, hành ngò, gia vị vừa đủ nấu súp ăn. Công dụng: bổ hư, ích tỳ, thận, thông kinh lạc… Rất tốt với người mới ốm dậy, ăn kém, khí huyết hư, gân xương yếu, chân tay tê, lạnh, thiếu máu lâu ngày.

Chả cua biển: thịt cua biển, trứng gà, cà rốt, hành tây, khoai môn, giá đỗ, bánh tráng, nấm mèo. Các vị thái nhỏ, trộn trứng và gia vị vừa đủ quấn làm chả chiên ăn kèm rau kinh giới, tía tô, rau thơm. Công dụng: bổ khí, huyết, ích xương cốt, chữa khí huyết hư, nhức mỏi gân xương. Dùng thích hợp với người già, trẻ em, phụ nữ khí huyết hư, xương cốt yếu.

Lưu ý: Cua biển giàu đạm. Người đang cần giảm cân, bệnh gút; người hay dị ứng cua ghẹ nên kiêng hoặc hạn chế dùng. Nên dùng cua tươi sống, nếu để cua chết, chất đạm trong cua dễ bị hỏng làm giảm hương vị và có thể gây dị ứng.

Lương y Minh Phúc

Người suy tim nặng nên ăn gì cho đỡ mệt?

Suy tim xảy ra khi cơ tim không còn đủ sức để đảm bảo nhu cầu của cơ thể về ôxy ngoại biên nữa. Đây là biến chứng cuối cùng của tất cả các bệnh về tim, động mạch và các bệnh toàn thân. Do tình trạng của từng bệnh mà tim có thể suy một bên trước rồi dẫn đến suy tim toàn bộ hoặc suy tim toàn bộ ngay từ đầu.

Khi suy tim nặng bệnh nhân rất khó thở, gan to có khi có cổ trướng, tràn dịch màng phổi, có thể còn khả năng hồi phục hoặc không còn khả năng hồi phục nếu vào giai đoạn cuối.

Chế độ ăn gồm sữa, quả ngọt nhiều kali, nhiều đường giúp bệnh nhân suy tim chuyển hóa tốt.

Nguyên tắc ăn uống khi suy tim nặng

Ăn nhạt hoàn toàn: lượng muối từ: 0,2g - 0,5g/ngày.

Năng lượng: nhỏ hơn 1.500Kcalo/ngày; Protein: 0,8g/kg/ngày và protein làm tăng chuyển hoá cơ bản làm tăng lưu lượng máu. Nên dùng protein từ sữa, cá; gluxit: dùng loại đường đơn dễ hấp thu (hoa quả, mật); chất béo: không cho thêm vào khi chế biến thức ăn

Rau quả: nên dùng nhiều để tạo môi trường kiềm chống lại tình trạng toan của cơ thể, rau quả lại chứa nhiều kali nên có tác dụng lợi tiểu rất tốt cho bệnh nhân suy tim.

Tránh dùng các thức ăn sinh hơi, các loại thức ăn lên men: trứng, đậu đỗ.

Không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối: dưa cà, mắm tôm, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích, lạp xường; hạn chế các chất kích thích như cà phê, trà...

Một chế độ ăn có sữa, rau quả, khoai sẽ thoả mãn được các nguyên tắc trên vì chứa ít muối lại có nhiều kali, nhiều yếu tố kiềm chống được tình trạng toan và có ít protein, có nhiều đường giúp cho chuyển hoá tốt, ít năng lượng để cho bộ máy tiêu hoá được nghỉ ngơi.

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim độ 3

Lượng muối 1 - 2g, protein: 40g, năng lượng: 1.200 - 1.300Kcalo.

Thực đơn mẫu:

6 giờ: Sữa hỗn hợp: 150ml (sữa đậu nành: 75, sữa bò: 75ml, đường: 10g)

9 giờ: sữa hỗn hợp: 150ml

12 giờ: Phở thịt nạc: 1 bát (bánh phở: 120g, thịt nạc: 30g, nước xương: 300ml)

15 giờ: Sữa hỗn hợp: 150ml

18 giờ: Cháo cá: 300ml (gạo: 30g, cá: 50g, dầu ăn 5g)

21 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim độ 4:

Dùng chế độ Karen gồm có sữa, nước quả, glucoza trong những ngày đầu sau đó thêm ngũ cốc, trứng, thịt:

Mẫu thực đơn trong 2 - 3 ngày đầu:

6 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml (sữa đậu nành: 50ml, sữa bò: 50ml, đường: 10g)

9 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

12 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

15 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

18 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

21 giờ: Glucoza 20%: 100ml

Mẫu thực đơn trong những ngày sau:

6 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml (sữa đậu nành: 50ml, sữa bò: 50ml, đường: 10g)

9 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

12 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

Cháo trứng: 200ml (gạo lẻ: 20g, trứng gà: 1 quả)

15 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

18 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

Cháo đường: 200ml (gạo: 20g, đường: 30g)

21 giờ: Glucoza 20%: 100ml

Giá trị dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng: 1.025Kcal; protein: 26,7g; muối: 0,8g.

ThS. BS. Lê Thị Hải

5 thực phẩm phá bĩnh tiệc yêu

Nước ngọt chứa đường: Các loại nước uống chứa đường là khắc tinh của những cuộc ân ái bởi chúng chứa nhiều ga khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, thức uống quá nhiều đường cũng có thể làm giảm lượng testosterone, do vậy cũng gây giảm ham muốn. Hãy chuyển sang trà không đường để kích thích tâm trạng hưng phấn, cải thiện độ tập trung và thúc đẩy lượng máu lưu thông trên cơ thể, trong đó có cơ quan sinh dục.

Bột yến mạch: Ăn một bát bột yến mạch trước khi “yêu” là bạn đã mang điều xấu cho bữa tiệc tình yêu. Bột yến mạch giúp sản sinh chất serotonin nhiều hơn cho não, có tác dụng giải phóng sự căng thẳng. Một lượng vừa phải rất tốt cho khả năng tình dục, nhưng dùng nguyên một bát sẽ thất vọng não nề. Hàm lượng chất xơ quá cao trong bột yến mạch có thể dẫn đến chứng khó chịu, cảm giác đầy hơi ngay sau khi ăn. Như vậy sẽ là trở ngại cho quan hệ tình dục.

Khoai tây chiên: chất béo trong khoai tây chiên ảnh hưởng tiêu cực đến nồng độ testosterone, do vậy ảnh hưởng cảm xúc và ham muốn tình dục. Ngoài ra, hàm lượng muối cao trong khoai tây chiên còn gây phiền phức cho nam giới bởi nó dễ làm tăng huyết áp khiến chuyện ấy trở nên khó khăn hơn.

Pho mát: Pho mát được làm từ sữa bò. Ăn quá nhiều các sản phẩm từ sữa chế biến dẫn đến việc sản sinh estrogen nhiều hơn trong cơ thể của các quý ông.Những estrogen không mong muốn có thể làm giảm ham muốn tình dục.

Kẹo bạc hà: Hương bạc hà the mát tưởng chừng như có ích cho tinh thần nhưng thực ra không phải vậy. Kẹo bạc hà và tinh dầu bạc hà được chứng minh có tác dụng làm giảm nồng độ testosterone nên giảm ham muốn tình dục.

MINH HUYỀN

Thực phẩm nên tránh khi bị tiêu chảy

Tiêu chảy gây ra tình trạng đại tiện nhiều lần, phân lỏng và nhiều nước làm cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Khi bị tiêu chảy bạn cần tránh những loại thực phẩm dưới đây:

Các loại hoa quả khô như hạnh nhân, mận, mơ…chứa rất nhiều chất xơ và được khuyến nghị dành cho những người bị táo bón. Vì vậy bạn nên tránh những loại quả này khi bị tiêu chảy.

- Các loại rau như súp lơ xanh, súp lơ trắng, cải bắp và hành tây là một vài loại rau gây đầy hơi có thể khiến dạ dày bạn bị kích thích hơn. Tránh xa các loại rau này cho tới khi các triệu chứng tiêu chảy giảm dần.

- Các loại quả chứa nhiều chất xơ như táo và thậm chí là lê không được khuyến khích cho những người đang bị tiêu chảy vì chúng có thể khiến bạn bị tiêu chảy nặng hơn.

- Những thực phẩm chứa hàm lượng đường cao khó tiêu hóa và có thể gây trướng bụng đồng thời kích thích dạ dày của bạn.

Sữa, mayonnai, trứng và pho mát là những sản phẩm nên tránh khi bạn đang bị tiêu chảy

- Tốt nhất nên tránh các sản phẩm sữa như sữa, mayonnai, trứng và pho mát khi bạn đang bị tiêu chảy cho dù bạn có dung nạp được lactose hay không. Mặc khác, sữa chua, sữa đông chứa nhiều vi khuẩn tốt có thể hỗ trợ tiêu hóa và có lợi khi bạn bị tiêu chảy.

- Đậu lăng và các loại đậu khác là những thực phẩm gây đầy hơi và kết quả là làm tình trạng tiêu chảy của bạn trầm trọng hơn.

- Cafein có thể kích thích niêm mạc dạ dày và gây tăng nhu động ruột. Ngoài cà phê, bạn cũng cần tránh trà xanh. Nếu muốn uống trà xanh, hãy tìm những loại hữu cơ không chứa chất caffeine.

- Thực phẩm chứa chất béo và chiên kỹ có thể dẫn đến co thắt dạ dày và làm các triệu chứng trầm trọng hơn. Hãy tập tự kiểm soát và tránh xa đồ ăn vặt cho tới khi đường ruột của bạn phục hồi.

BS. Tuyết Mai/Univadis

(theo THS)

Chế độ ăn trong viêm loét dạ dày – tá tràng

Trọng tâm của dinh dưỡng trong viêm loét dạ dày là dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị: Chất ngọt, chất béo, dùng những thức ăn có tính chất bọc niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị như gạo nếp, bột sắn, bánh mỳ, bánh quy, sữa, lòng trắng trứng. Dùng thức ăn mềm ít có tác dụng cơ giới. Không để đói, không ăn quá no. Cần ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 2-3 giờ. Khi chế biến thức ăn nên nghiền, xay băm nhỏ, nấu nhừ, tăng cường hấp, luộc, hạn chế xào, rán.

Người bệnh nên ăn gì?

Cháo, cơm nát, bánh mì, bánh quy, cơm nếp, bánh chưng.

Các loại khoai: khoai tây, khoai sọ luộc chín hoặc hầm nhừ dưới dạng súp.

Thịt cá nghiền nát, hấp hoặc om.

Sữa bò hộp, sữa bò tươi, sữa bột, bơ, phomát.

Đường, bánh, mứt kẹo, mật ong, kem, thạch, chè.

Nước uống: nước lọc, nước khoáng.

Những loại thức ăn nào không nên ăn?

Các loại thực phẩm có độ acid cao: Các loại quả chua như chanh, cam, bưởi chua; dưa, cà muối, dấm, mẻ, tương ớt.

Các loại thực phẩm tạo hơi trong dạ dày: Các loại đậu đỗ, các loại dưa cà muối, hành.

Các loại thực phẩm làm hư hại niêm mạc dạ dày: Rượu, bia, ớt, tỏi, cà phê, chè...

Các loại thức ăn tăng tiết acid: Các loại nước sốt thịt cá đậm đặc.

Không nên ăn các loại hoa quả như: Chuối tiêu, đu đủ, táo. Các loại thức ăn chế biến sẵn như giăm bông, lạp sườn, xúc xích.

Không ăn sữa chua lúc đói.

Trong trường hợp viêm dạ dày cấp tính cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương, vì vậy có thể nhịn ăn trong vòng 24 - 48 giờ vì thức ăn vào dạ dày sẽ kích thích tiết acid càng làm loét vết thương. Chỉ nên uống nước khoáng với số lượng vừa phải để khỏi khát và mất nước. Sau thời gian nhịn ăn nên ăn súp nấu với rau thịt nghiền; Uống sữa hoặc ăn kem với năng lượng từ 1200-1300 Kcal. Mỗi lần ăn với số lượng ít và ăn nhiều lần cách nhau 1 giờ. Sau đó dần dần tăng số lượng cho đến khi không còn triệu chứng: Đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua thì ăn uống gần như bình thường.

da day-ta trangChế độ ăn hợp lý cho người mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.

Trong trường hợp viêm dạ dày mạn tính, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hóa hấp thu kém, cơ thể không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu. Chế độ ăn cần phải cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: B12, acid folic, vitamin A, D, K, canxi, Fe, Zn, Mg.

Trong trường hợp loét dạ dày chế độ ăn nên được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Bắt đầu điều trị cho người loét dạ dày, chỉ nên ăn sữa, cứ 1-2 giờ uống sữa một lần, mỗi lần chỉ khoảng 1/3-1/2 cốc (khoảng 100ml/lần). Tổng năng lượng chỉ cần khoảng 1200 kcal. 2 đến 3 ngày sau dạ dày không thấy đau thì trộn thêm kem vào sữa để tăng thêm năng lượng.

Giai đoạn 2: Khi dạ dày hết đau, thì ăn những đồ mềm nhuyễn như cháo, súp, mỗi lần 100ml sau đó tăng dần lên, nên ăn 6 bữa/ngày, sau đó ăn các loại thức ăn như: cơm nếp, bánh mỳ, bánh quy, thịt cá nghiền nát. Khi ăn nên nhai kĩ để đồ ăn thấm nước trước khi nuốt.

Giai đoạn 3: Vẫn tiếp tục ăn 5-6 bữa/ngày; Ăn thức ăn mềm, nấu chín nhừ.

Với mỗi một bệnh nhân, bác sĩ sẽ có thực đơn riêng. Bệnh nhân cần tuân thủ theo chế độ ăn để cải thiện bệnh.

ThS. BS. Lê Thị Hải

7 thực phẩm chữa bệnh loét dạ dày

Nguyên nhân và triệu chứng loét dạ dày

Loét dạ dày, còn gọi là viêm loét dạ dày. Loét thường gây ra bởi một loại vi khuẩn gọi là H. pylori, nhưng thuốc chống viêm không steroid, hút thuốc lá, uống rượu quá nhiều, một số loại thực phẩm và căng thẳng có thể làm nặng thêm loét của bạn.

Triệu chứng thường gặp bao gồm khó tiêu, đau bụng, nôn, ợ hơi, giảm cân và ợ nóng. Điều trị thường bao gồm thuốc men, một chế độ ăn uống và thay đổi lối sống lành mạnh, chẳng hạn như tránh các loại thực phẩm kích hoạt, tránh uống rượu, không hút thuốc và hạn chế thuốc chống viêm không steroid.

Thực phẩm giảm bớt triệu chứng loét dạ dày

Một số thực phẩm có thể giảm bớt các triệu chứng loét và đẩy nhanh quá trình chữa lành bệnh.

loet da day, thuc pham giau chat xo giam viem loet da day va duong tieu hoa

Thực phẩm giàu chất xơ giảm viêm loét đường tiêu hóa

1. Sữa chua

Bạn có thể điều trị loét dạ dày bằng cách ăn sữa chua. Sữa chua có chứa lactobacillus acidophilus, là chế phẩm sinh học, vi khuẩn "thân thiện" giúp duy trì sự cân bằng giữa các vi khuẩn tốt và có hại như H. pylori trong hệ thống tiêu hóa của bạn. Chế phẩm sinh học Probiotic có thể ngăn chặn nhiễm trùng do vi khuẩn H. pylori và giảm tác dụng phụ kháng sinh có thể xảy ra trong khi điều trị loét. Các loại thực phẩm khác có chứa probiotic bao gồm súp miso và thực phẩm từ đậu nành.

2. Dầu ô liu

Nấu ăn với dầu ô liu có thể giúp điều trị loét dạ dày. Thêm dầu ô liu có chứa phenol, hợp chất này ở lại trong dạ dày trong một khoảng thời gian dài. Các hợp chất này có thể hoạt động như một tác nhân chống vi khuẩn, và có thể ngăn chặn vi khuẩn H. pylori lan rộng và gây viêm niêm mạc dạ dày, nhưng cần nghiên cứu thêm trước khi xác định các mối quan hệ chính xác giữa dầu ô liu và vi khuẩn H. pylori.

Quả nam việt quất

3. Quả nam việt quất

Một thực phẩm có thể giúp điều trị loét dạ dày là nam việt quất. Quả nam việt quất rất giàu flavonoid, có thể làm giảm sự tăng trưởng của H. pylori, vi khuẩn gây loét và thúc đẩy chữa bệnh. Các loại thực phẩm khác có chứa flavonoid bao gồm cần tây, hành tây, tỏi và trà xanh.

4. Nước lọc

Bạn có thể điều trị loét dạ dày của bạn bằng cách uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày. Nước làm giảm triệu chứng loét của bạn bằng cách giữ cho cơ thể bạn đủ nước và tống các tạp chất ra ngoài.

5. Quả việt quất

Điều trị loét dạ dày của bạn bằng cách thêm một số quả việt quất tươi trong ăn sáng. Quả việt quất có chứa chất chống oxy hóa, có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, giúp cơ thể bạn chống lại virus và các bệnh tật, giảm triệu chứng loét và thúc đẩy chữa bệnh. Những thực phẩm khác giàu chất chống oxy hóa bao gồm anh đào, bí đỏ và ớt chuông.

6. Thực phẩm giàu chất xơ

Một chế độ ăn giàu chất xơ trong thực phẩm có thể giúp vết loét dạ dày lành lại. Chất xơ có thể đẩy nhanh quá trình chữa bệnh và làm giảm nguy cơ phát triển các vết loét trong tương lai. Các loại thực phẩm có chứa một lượng lành mạnh của sợi xơ bao gồm mâm xôi, táo, lê, dâu tây, atisô, đậu Hà Lan, đậu khô nấu chín, củ cải xanh, lúa mạch, lúa mì và gạo nâu.

7. Hạnh nhân

Điều trị loét dạ dày của bạn bằng cách ăn nhẹ thêm một số ít hạnh nhân. Hạnh nhân rất giàu vitamin B, protein và canxi có thể làm giảm triệu chứng loét và hỗ trợ trong quá trình phục hồi. Các loại thực phẩm khác có chứa vitamin B bao gồm các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cải bó xôi, cải xoăn.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(theo Live Strong)